Nước Đức Quốc xã đầu hàng Ngày_chiến_thắng_(9_tháng_5)

Văn bản đầu hàng sơ bộ tại Reims

Văn kiện đầu hàng ký kết ngày 7 tháng 5 năm 1945 tại Reims

Ngày 5 tháng 5 năm 1945, theo sự giới thiệu của đô đốc von Friedeburg, tướng Alfred Jodl, Phó tổng tham mưu trưởng lục quân Đức Quốc xã phụ trách các vấn đề tác chiến đã đến tổng hành dinh của tướng Eisenhower, Tổng tư lệnh liên quân đồng minh Anh - Hoa Kỳ tại Reims (Pháp). Tại đây, tướng Eisenhower đã yêu cầu Alfred Jodl trình giấy uỷ nhiệm về việc ký kết văn bản đầu hàng không điều kiện. Vì không có giấy uỷ nhiệm theo yêu cầu của phía Hoa Kỳ, tướng Alfred Jodl trả lời rằng ông ta chỉ được uỷ quyền ký kết văn bản ngừng bắn để có thể điều động các đơn vị đang chiến đấu chống liên quân Anh - Hoa Kỳ sang mặt trận Đông để chống lại quân đội Liên Xô. Tướng Alfred Jodl tuyên bố rằng chủ trương của chính phủ Karl Dönitz như chính vị đô đốc này đã trình bày tại cuộc họp ngày 4 tháng 5 năm 1945:

Cần phải giữ gìn cho dân tộc Đức và giúp đỡ cho càng nhiều người Đức càng tốt thoát khỏi chủ nghĩa Bolshevik
— Karl Dönitz, [14]
Tướng Alfred Jodl ký văn bản đầu hàng sơ bộ tại Reims

Trong cuộc đàm phán, tướng Alfred Jodl còn cho biết thêm: vì các tập đoàn quân của thống chế Ferdinand Schörner và các tướng Lothar Rendulic, Alexander Löhr đang chiến đấu tại mặt trận phía Đông chống lại quân đội Liên Xô cho nên họ sẽ không chịu sự ràng buộc của lệnh đầu hàng do Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức Quốc xã ký với các đồng minh Anh và Hoa Kỳ tại mặt trận phía Tây. Tướng Eisenhower bác bỏ đề nghị của tướng Alfred Jodl chỉ vì một lẽ hiển nhiên, trong tay ông này không có một chứng cứ về sự uỷ quyền nào để ký kết một văn kiện vượt quá thẩm quyền của một Phó tổng tham mưu trưởng lục quân. Việc xin giấy uỷ nhiệm của đô đốc Karl Dönitz diễn ra rất khẩn trương và ngày 6 tháng 5 năm 1945, Alfred Jodl đã quay lại Reims sau 8 giờ với một uỷ nhiệm thư đủ thủ tục pháp lý trong tay.[15]

Gần nửa đêm ngày 6 tháng 5, viên sĩ quan tuỳ tùng của tướng Eisenhower đến phòng làm việc của tướng Susloparov - trưởng phái đoàn quân sự Liên Xô bên cạnh Bộ Tổng tư lệnh Liên quân - trao thiếp mời của Bộ Tổng tư lệnh liên quân Hoa Kỳ-Anh về việc tham gia ký kết văn bản đầu hàng của quân đội Đức Quốc xã. Tại Tổng hành dinh liên quân, tướng Susloparov đã đọc kỹ toàn bộ văn bản đầu hàng do các sĩ quan tham mưu của Bộ Tổng tư lệnh liên quân soạn thảo bằng tiếng Anh và tiếng Đức. Khi được tướng Eisenhower hỏi: Thưa tướng quân, ngài có ý kiến gì về việc này?; tướng Susloparov trả lời:

Tôi thấy các thành viên của khối liên minh chống Hitler đã cùng cam kết với nhau rằng phải tiến hành sự đầu hàng cùng lúc của quân đội phát xít Đức trên tất cả các mặt trận. Vì vậy, tốt hơn hết là chúng ta cùng ký kết nó nhưng văn bản này lại không đề cập đến sự đầu hàng của quân Đức trên mặt trận phía Đông?
— I. A. Susloparov, [15]
Đại diện quân đội các nước đồng minh sau Lễ ký kết văn bản đầu hàng sơ bộ tại Reims (từ trái sang phải): Tướng Susloparov (Liên Xô), tướng Morgan (Anh), tướng Smith (Hoa Kỳ), một nhân viên phiên dịch, Thống tướng Eisenhower (Hoa Kỳ), Thống tướng Tedder (Không lực Hoàng gia Anh)

Ban đầu người Đức chỉ chấp nhận đầu hàng các nước phương Tây thuộc phe Đồng minh. Tuy nhiên, sau nửa ngày được phía Hoa Kỳ và Anh thuyết phục, họ đã đồng ý chấp nhận đầu hàng toàn bộ các thành viên thuộc phe Đồng Minh. Thống tướng Eisenhower cũng chính thức thông báo cho phái đoàn quân sự Liên Xô rằng Liên quân đã yêu cầu tướng Alfred Jodl phải chấp nhận việc nước Đức Quốc xã phải đầu hàng hoàn toàn chứ không phải một sự đầu hàng nào khác. Ông cũng đề nghị tướng Susloparov thông báo ngay cho Moskva biết tiến trình sự kiện để Moskva tán thành và tướng Susloparov có thể thay mặt chính phủ Liên Xô ký vào văn bản này. Thời gian biểu cuối cùng để ký văn bản dự kiến vào 2 giờ 30 phút ngày 7 tháng 5 năm 1945 tại Phòng tác chiến của Bộ tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ - Anh ở mặt trận Tây Âu. Một trong những điều khoản quan trọng nhất mà văn bản này quy định là Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức Quốc xã có trách nhiệm ra lệnh đình chỉ chiến sự trên tất cả các mặt trận vào 0 giờ 01 phút ngày 9 tháng 5 năm 1945 (theo giờ Moskva) tức 2 giờ 01 phút cùng ngày (theo giờ Trung Âu).[15] Tướng Susloparov thấy đây là điều có thể chấp nhận được. Vì chưa được sự uỷ quyền chính thức, lúc 11 giờ 30 phút, tướng Susloparov cho mã hoá toàn bộ văn bản và gửi bằng vô tuyến điện về Moskva kèm theo đề nghị được trao thẩm quyền ký kết văn kiện đầu hàng của quân đội Đức Quốc xã theo lời khuyên của tướng Eisenhower.[16]

Việc ký kết này khiến Susloparov rất băn khoăn, rõ ràng ông không lường được trường hợp này và trước đó cũng chưa nhận được chỉ thị gì từ Moskva. Lúc 2 giờ 35 phút sáng ngày 7 tháng 5, giờ ấn định ký kết đã qua hơn 5 phút, các tướng lĩnh đại diện các cường quốc Anh, Hoa Kỳ, Pháp và cả tướng Susloparov đều nóng lòng chờ đợi câu trả lời từ Moskva nhưng vẫn không thấy hồi âm. Cuối cùng, thấy không thể trùng trình được nữa, lúc 2 giờ 41 phút ngày 7 tháng 5, tướng Susloparov quyết định ký vào văn bản. Ông hiểu rằng nếu ông cương quyết không ký, rất có khả năng biên bản đầu hàng sẽ được ký mà không có sự tham gia của Liên Xô. Để bảo đảm cho Chính phủ Liên Xô có khả năng ảnh hưởng trở lại đối với tiến trình đầu hàng của nước Đức Quốc xã khi cần thiết, ông ghi chú vào tờ số 1 của văn kiện:

Biên bản về việc chấm dứt chiến sự này không loại trừ sau này có thể ký kết một văn kiện hoàn hảo hơn ghi nhận sự đầu hàng của nước Đức Quốc xã nếu một trong các nước đồng minh có yêu cầu

Biên bản đầu hàng sơ bộ được ký kết tại Reims vào ngày 7 tháng 5 năm 1945, có hiệu lực vào 23 giờ 1 phút ngày 8 tháng 5 tính theo giờ Trung Âu. Thống tướng Eisenhower nâng cốc chúc mừng tướng Susloparov sau khi ông này gửi báo cáo về Moskva thì lúc 2 giờ 50 phút, Moskva có điện trả lời: Không được ký kết một văn kiện nào hết.[17]

Văn bản đầu hàng toàn bộ tại Berlin

Hình ảnh lá cờ chiến thắng của Trung đoàn bộ binh 150, Sư đoàn bộ binh 79 (Huân chương Kutuzov hạng nhì), thuộc Phương diện quân Belorrusia 1 (Liên Xô) đã được cắm trên nóc nhà Quốc hội Đức ngày 30 tháng 4 năm 1945

Lúc 8 giờ sáng ngày 7 tháng 5, tướng Deel, trưởng phái đoàn quân sự Hoa Kỳ tại Moskva trao cho Chính phủ Liên Xô một giác thư có đoạn viết:

Trưa hôm nay, tôi nhận được thông điệp khẩn của Tổng thống Hoa Kỳ đề nghị Nguyên soái Stalin đồng ý tuyên bố về việc đầu hàng của nước Đức Quốc xã vào hồi 19 giờ ngày hôm nay, theo giờ Moskva. Qua Bộ dân uỷ ngoại giao, chúng tôi được biết rằng không thể làm như vậy vì Chính phủ Liên Xô chưa được các đại diện của mình hiện đang công tác tại Bộ tham mưu của thống chế Eisenhower báo cáo về sự đầu hàng của Đức. Tôi đã báo cáo lại tình hình cho Tổng thống Harry Truman và được Tổng thống đồng ý rằng sẽ chưa công bố chính thức trước 9 giờ sáng ngày 8 tháng 5 (theo giờ Washington) tức 16 giờ (theo giờ Moskva) nếu Nguyên soái Stalin chưa tỏ ra đồng ý về thời hạn sớm đó.
— -, [18]

Rõ ràng là Moskva không hài lòng với việc ký một văn bản đầu hàng của nước Đức Quốc xã nhưng họ không phải là người tham gia chính thức với một sĩ quan cấp thiếu tướng và lại không có sự uỷ quyền ký kết. Stalin cho rằng việc ký kết phải có đầy đủ đại diện có thẩm quyền của các nước đồng minh chống phát xít chủ chốt tham gia và phải diễn ra trên đất nước của kẻ gây ra chiến tranh chứ không thể diễn ra ở nơi khác. Đại tướng A.I. Antonov ủng hộ ý kiến này và nhận xét:

Các nước đồng minh đang gây sức ép, họ muốn toàn thế giới biết rằng quân đội Đức Quốc xã đầu hàng họ chứ không đầu hàng Liên Xô
— A. I. Antonov, [19]

Lãnh tụ Liên Xô Stalin cũng tỏ ra không hài lòng trước các sự kiện trên. Ông cho rằng buổi ký kết văn kiện đầu hàng của Đức phải diễn ra tại Berlin dưới sự phê chuẩn của đại diện phái đoàn Liên Xô; còn biên bản đầu hàng tại Reims chỉ là biên bản sơ bộ. Trong hồi ký Nhớ lại và suy nghĩ của mình, Nguyên soái G.K. Zhukov đã ghi lại ý kiến của Stalin như sau:

Hôm nay, tại Reims, người Đức đã ký kết biên bản sơ bộ về việc đầu hàng vô điều kiện. Tuy nhiên, gánh nặng chiến tranh chủ yếu chống phát xít Đức lại đè lên vai nhân dân Liên Xô chứ không phải các nước đồng minh. Vì vậy, buổi lễ ký kết văn kiện đầu hàng phải diễn ra dưới sự chứng kiến của tất cả các quốc gia thuộc liên minh chống Hitler chứ không phải chỉ dưới sự chứng kiến của Bộ Tổng tư lệnh Tối cao của các nước Đồng Minh phương Tây. Thêm nữa, tôi không đồng tình về việc ký kết văn kiện đầu hàng không diễn ra tại Berlin - trung tâm của chế độ phát xít Đức. Chúng ta đã đồng ý với các nước Đồng Minh phương Tây về việc xem văn kiện ký kết tại Reims chỉ là một biên bản đầu hàng sơ bộ. Ngày mai, đại diện của Bộ Tổng chỉ huy quân đội Đức Quốc xã và đại diện của Bộ Tổng tư lệnh các nước Đồng minh sẽ đến Berlin để ký kết văn bản chính thức. Đồng chí được cử làm đại diện toàn quyền cho Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô. A.Ya. Vysinsky, V.D. SokolovskyK.F. Teleghin sẽ làm trợ lý cho đồng chí
— I. V. Stalin, [20]
Nguyên soái Zhukov đọc văn kiện đầu hàng của Đức. Ngồi bên cạnh ông là Thống chế Không lực Hoàng gia Anh Arthur William Tedder.

Ngay trước buổi trưa ngày 7 tháng 5, Đại tướng A.I. Antonov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô đã chuyển cho các phái đoàn quân sự Hoa Kỳ, Anh và Pháp tại Moskva một giác thư đề nghị các nước đồng minh thống nhất coi văn bản được ký kết tại Reims chỉ là văn bản sơ bộ và ngày 8 tháng 5, các nước đồng minh sẽ cử các đại diện cao cấp có thẩm quyền đến Berlin để ký một định ước cuối cùng về sự đầu hàng của quân đội Đức Quốc xã, có sự tham gia của cấp chỉ huy cao cấp nhất của quân đội Đức. Chính phủ các nước Hoa Kỳ, Anh và Pháp chấp thuận đề nghị này.[21]

Ngày 7 tháng 5, các sĩ quan chính trị thuộc Bộ tham mưu Phương diện quân Belorussia 1 đã tìm được một ngôi nhà còn nguyên vẹn trong một trường quân sự tại Karls Horster, ngoại ô Berlin để dùng làm nơi ký kết văn kiện đầu hàng chính thức của nước Đức Quốc xã. Ngày 8 tháng 5, Thống tướng Dwight D. Eisenhower cử ba cấp phó của mình là Thống chế Kkhông quân Hoàng gia Anh Arthur Tedder, tướng Carl A. Spaatz tư lệnh các lực lượng không quân chiến lược Hoa Kỳ ở châu Âu và Thống chế Pháp Jean de Lattre de Tassigny đến ký kết văn bản đầu hàng chính thức. Họ đi Berlin trên một chuyên cơ, đem theo 10 sĩ quan tuỳ tùng, 11 nhà báo và phóng viên nhiếp ảnh. Trên chuyên cơ này cũng chở theo thống chế Wilhelm Keitel, Tổng tư lệnh lục quân Đức, đô đốc Hans-Georg von Friedeburg, tưóng Hans-Jürgen Stumpff và ba sĩ quan tuỳ tùng người Đức đến Berlin để ký định ước đầu hàng không điều kiện.[22]

Thống chế William Keitel đại diện cho phía Đức ký kết văn kiện đầu hàng không điều kiện.

22 giờ ngày 8 tháng 5 (0 giờ ngày 9 tháng 5 theo giờ Moskva), các đoàn đại biểu quân sự của bốn nước đồng minh vào phòng họp. Phía Liên Xô có Nguyên soái G.K. Zhukov, Đại tướng V.D. Sokolovsky, Trung tướng K.F. Teleghin và nhà ngoại giao A.Ya. Vysinsky. Đoàn đại biểu quân đội Hoàng gia Anh do Thống chế Không quân Arthur Tedder đứng đầu, đoàn đại biểu Quân đội Hoa Kỳ do Đại tướng Carl A. Spaatz đứng đầu. Đại diện cho quân đội Pháp là Thống chế Jean de Lattre de Tassigny. Zhukov đọc lời khai mạc ngắn gọn và cho gọi các đại diện Đức vào phòng họp với thủ tục đầu tiên là kiểm tra giấy uỷ nhiệm của Chính phủ Đức. Thay mặt nước Đức Quốc xã, thống chế Keitel ký vào định ước xác nhận đầu hàng không điều kiện của nước Đức Quốc xã được làm bằng ba thứ tiếng Anh, Đức và Nga được làm thành năm bản. Sau đó, lần lượt đại diện các đoàn Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô đều ký vào văn bản định ước. Việc ký kết nhanh chóng hoàn thành lúc 22 giờ 43 phút.[23] Lúc đó ở Moskva - vì khác biệt về múi giờ - đã là 0 giờ 43 phút ngày 9 tháng 5. Ngay sau lễ ký kết định ước, đoàn đại biểu quân sự Liên Xô đã mở tiệc chiêu đãi các đoàn đại biểu đồng minh. Tại buổi tiệc, các tướng lĩnh Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô đều bày tỏ lòng mong muốn củng cố và giữ vững mãi mãi các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các nước trong khối Đồng minh chống phát xít.[24]

Ngay sau lễ ký kết, nhà ngoại giao Vysinsky đã thông báo cho thiếu tướng Susloparov, người cũng có mặt trong lễ ký kết rằng Stalin thấy không có gì đáng phàn nàn về những công việc mà Susloparov tiến hành tại Reims ngày 7 tháng 5 năm 1945.[25]

Việc ban bố văn kiện đầu hàng của nước Đức Quốc xã và thiết lập quyền kiểm soát của Đồng minh

Tuyên bố của Chính phủ Liên Xô về việc nước Đức Quốc xã đầu hàng không điều kiện do phát thanh viên Levitan đọc trên Đài phát thanh Moskva

Nếu như về mặt ngoại giao, Chính phủ Liên Xô cương quyết đòi tổ chức một lễ ký kết tại Berlin thì trong việc triển khai ban bố văn kiện đầu hàng của nước Đức Quốc xã, họ tỏ ra mềm dẻo và linh hoạt. Không chờ lễ ký kết ở Berlin hoàn tất, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô đã đồng ý phối hợp với Bộ Tổng tư lệnh Liên quân Đồng minh triển khai ngay việc thông tin về sự kiện nước Đức Quốc xã đầu hàng trên khắp các mặt trận. Lúc 22 giờ 35 phút ngày 7 tháng 5, tướng Eisenhower đề nghị mở một hành lang trên không phận châu Âu từ thành phố Flensburg, nơi đóng trụ sở tạm thời của Tổng hành dinh bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức đến bán đảo Kurlandia, Latvia để cho một máy bay Đức mang mệnh lệnh đầu hàng đến cho Tập đoàn quân 18 (Đức) vẫn còn bị vây tại đây; phía Liên Xô đã đáp ứng yêu cầu này. Bản mệnh lệnh đầu hàng được các sĩ quan tham mưu Đức cùng các sĩ quan Anh và Hoa Kỳ đi theo giám sát có đính kèm theo bản khổ lớn chụp ảnh văn kiện đầu hàng sơ bộ của nước Đức tại Reims. Cùng ngày hôm đó, quân Đức tại Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Hy LạpNam Tư cũng nhận được các văn kiện về việc đầu hàng thông qua các chuyến bay phối hợp của không quân Liên Xô, không lực Hoa Kỳ, không lực Hoàng gia Anh và họ nhanh chóng thực hiện mệnh lệnh đầu hàng.[26]

Ngôi nhà đã diễn ra lễ ký kết bản định ước xác nhận sự đầu hàng không điều kiện của nước Đức Quốc xã ngày 9 tháng 5 năm 1945 tại Karlshoster nay được dùng làm bảo tàng Đức-Nga

Đối với những lực lượng cơ bản của Cụm tập đoàn quân trung tâm (Đức) do thống chế Ferdinand Schörner và Cụm tác chiến Áo do tướng Lothar Rendulic chỉ huy thì việc đầu hàng diễn ra không đơn giản. Ngày 4 tháng 5, tại Praha nổ ra cuộc khởi nghĩa của những người yêu nước Tiệp Khắc chống phát xít. Viện cớ những người khởi nghĩa tập kích quân Đức, cắt đường dây điện thoại và được sự dung túng của đô đốc Karl Dönitz, người đang lãnh trách nhiệm đứng đầu Chính phủ Đức, thống chế Ferdinand Schörner nói rằng ông ta không nhận được một văn bản nào cả. Ngày 7 tháng 5, một tốp sĩ quan liên lạc của Liên Xô được những người khởi nghĩa dẫn đường đến Plezen mang theo văn kiện đầu hàng đã bị các nhóm biệt kích của Tập đoàn quân xe tăng 6 SS bắt và thủ tiêu. Phía Liên Xô chỉ biết được việc này sau ngày 9 tháng 5 khi nhận được lời khai của một lính Nga trong quân đoàn "Nước Nga tự do" của A.A. Vlasov bị bắt làm tù binh. Ngày 8 tháng 5, thông qua Đài phát thanh Praha do quân khởi nghĩa chiếm giữ, các văn kiện đầu hàng được công bố rõ ràng nhưng thống chế Ferdinand Schörner vẫn làm như không biết gì và tiếp tục thực hiện các hoạt động chiến đấu, mở một hàng lang hẹp qua Plezen để rút quân sang tuyến kiểm soát của quân đội Hoa Kỳ. Thậm chí đến tận ngày 10 tháng 5, hơn 1.000 quân SS tại Traslav vẫn tiếp tục kháng cự lại Quân đoàn cơ giới cận vệ 2 (thuộc Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 của tướng A.G. Kravchenko) cho đến khi bị tiêu diệt hoàn toàn vào cuối ngày.[27]

Rõ ràng là chính phủ Karl Dönitz đã không thể kiểm soát được tình hình và bắt đầu dung túng cho những hành động phá hoại hoà bình, đi ngược lại lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện đã được chính họ xác nhận tại Reims ngày 7 tháng 5 và Berlin ngày 8 tháng 5. Ngày 16 tháng 5, cựu thủ tướng Anh Winston Churchill tuyên bố với tờ Thời báo (Anh) rằng Hoa Kỳ và Anh không có ý định đảm nhận việc cai trị nước Đức.[28] Ngày 17 tháng 5 năm 1945, phái đoàn Liên Xô do nguyên soái Zhukov chỉ huy bắt đầu đến làm việc tại Hội đồng kiểm soát nước Đức của các nước Đồng minh tại Flensburg. Tại đây, các đại biểu Liên Xô đã đưa ra những bằng chứng về việc chính phủ Karl Dönitz không kiểm soát được tình hình và các bằng chứng về phần lớn các thành viên trong chính phủ này đều là tội phạm chiến tranh. Nói cách khác, đó vẫn là chính phủ Quốc xã mà không có đảng Quốc xã và Hitler. Nhiều bằng chứng khác về việc các thành viên trong chính phủ Karl Dönitz vẫn ngầm cung cấp vũ khí cho các phần tử SS còn chưa bị bắt giữ chống lại các lực lượng đồng minh đã được đưa ra.[29] Trước những bằng chứng không thể chối cãi, ngày 23 tháng 5 năm 1945, Hội đồng kiểm soát nước Đức của các nước Đồng minh ra nghị quyết về việc giải tán và bắt giữ chính phủ Karl Dönitz như những tội phạm chiến tranh. Sự kiện này đã mở đường cho một hội nghị toàn thể của Hội đồng kiểm soát nước Đức của các nước Đồng minh họp tại Berlin ngày 5 tháng 6 năm 1945. Hội nghị đã ra bản tuyên bố chung về sự bại trận của nước Đức và thiết lập sự kiểm soát của bốn nước đồng minh Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh và Pháp tại nước Đức. Tuyên bố nêu rõ:

Kể từ ngày 5 tháng 6 năm 1945, bốn cường quốc đồng minh đảm nhận quyền lực tối cao ở nước Đức, kể cả các quyền lực của chính phủ Đức, của Bộ chỉ huy tối cao Đức và mọi cấp chính quyền từ trung ương đến cấp vùng, các thành phố, thị xã và địa phương
— Tuyên bố của bốn nước đồng minh ngày 5 tháng 6 năm 1945, [30]

Cùng ngày, bốn cường quốc đồng minh đã ký các hiệp nghị về việc phân chia vùng chiếm đóng của các nước đồng minh tại nước Đức và cơ chế kiểm soát chống việc tái vũ trang nước Đức. Hiệp nghị thứ nhất quy định chia nước Đức thành bốn vùng kiểm soát do bốn nước đồng minh Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô uỷ trị. Riêng thủ đô Berlin chia làm bốn phần do bốn nước Đồng minh thay nhau chỉ huy các lực lượng kiểm soát liên hợp. Hiệp nghị thứ hai quy định trong thời kỳ nước Đức có trách nhiệm thực hiện những yêu cầu cơ bản của việc đầu hàng không diều kiện, quyền lực tối cao sẽ do bốn Bộ tư lệnh của bốn nước đồng minh đảm nhiệm trong từng vùng đóng quân của mình, phù hợp với những chỉ thị của các chính phủ hữu quan, phối hợp với nhau trong giải quyết những vấn đề tổng thể của nước Đức. Bốn vị tư lệnh đồng minh sẽ là thành viên ngang quyền trong một Hội đồng kiểm soát làm việc theo chế độ đồng thuận.[29]

Như vậy, phải đến gần một tháng sau Ngày Chiến thắng, tình hình nước Đức mới thực sự được kiểm soát và Chiến thắng ngày 9 tháng 5 mới được bảo đảm một cách cơ bản.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ngày_chiến_thắng_(9_tháng_5) http://www.economist.com/world/britain/displaystor... http://odesskiy.com/den-pobedi/ http://sputniknews.com/politics/20150311/101934159... http://sputniknews.com/russia/20150130/1017554567.... http://www.youtube.com/watch?v=FJES2kTt0Z0&feature... http://www.youtube.com/watch?v=dEruDTulDgw http://www.youtube.com/watch?v=mp07yG-XIO4 http://www.youtube.com/watch?v=uOhMaLip-mE&feature... http://www.courier.co.il/?id=31726 http://www.history.army.mil/brochures/centeur/cent...